Trong vòng 5 năm tới, các yêu cầu về giảm phát thải trong xuất xứ hàng hóa nhiều khả năng sẽ trở thành rào cản mới đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi việc thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trở thành yêu cầu bắt buộc với các quốc gia trên thế giới.
Đó là nhận định của ông Phạm Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) tại hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong triển khai Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, diễn ra ngày 21/10 tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Văn Tấn, hiện nay, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tự do thương mại với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, gần đây nhất là Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Nhiều nước đã bắt đầu xem xét đến việc tính toán lượng khí thải tạo ra khi sản xuất 1 đơn vị sản phẩm. Để xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp buộc phải tính toán lượng phát thải sao cho thấp hơn hoặc bằng với mức trung bình của nước sở tại, nếu lớn hơn thì hàng hóa sẽ bị áp thuế rất cao. “Trong vòng 5 năm tới, đây sẽ là rào cản thương mại mới đối với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Tấn khẳng định.
Điều này liên quan đến việc kể từ năm 2021, các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ phải thực thi cam kết giảm phát thải khí nhà kính của mình trong báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tháng 9/2020, Việt Nam đã gửi bản cập nhật NDC lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế.
Ông Tấn cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị kỹ để cùng tham gia ứng phó BĐKH toàn cầu một cách bình đẳng với các quốc gia trên thế giới. Công tác ứng phó đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng. Giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng không chỉ là trách nhiệm với quốc gia mà trước tiên phục vụ cho chính sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trong Luật Bảo vệ môi trường đang trình quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nội dung về thị trường các bon như một hướng phát triển mới. Từ việc nâng cao hiệu quả sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra ra tín chỉ các bon, doanh nghiệp có thể tham gia thị trường các bon cả trong nước và quốc tế, bán tín chỉ cho các bên có nhu cầu.
Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia đến từ nhiều tổ chức trong lĩnh vực giảm phát thải, năng lượng tái tạo đã cùng thảo luận và đề xuất những phương án đóng góp của khối tư nhân cho việc triển khai NDC của Việt Nam. Đại diện Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam cho rằng, các cơ quan xây dựng chính sách cần hướng dẫn doanh nghiệp đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính, xác định mức độ phát thải hoặc tiêu hao năng lượng trên một đơn bị sản phẩm để có kế hoạch giảm phát thải. Đồng thời, hướng dẫn những nội dung cụ thể mà doanh nghiệp cần chuẩn bị để tham gia thị trường các bon.
Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là cần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp để thực hiện các quy định về báo cáo giám sát minh bạch hoạt động phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, tuyên truyền về thị trường các bon, các cơ chế tín chỉ, công nghệ sản xuất mới để có thể chuyển đổi sang phát triển sạch… Nhiều đề xuất hành động ưu tiên thực hiện NDC mà khối tư nhân có khả năng phối hợp tốt đã được đưa ra, trải rộng ở nhiều lĩnh vực: tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, giao thông vận tải xanh, đầu tư các nhà máy điện năng lượng tái tạo; sản xuất vật liệu xây dựng ít phát thải…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh việc Nhà nước cần có thêm hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giảm phát thải và phát triển bền vững, nhằm tạo ra làn sóng đầu tư lớn như trong lĩnh vực điện mặt trời, điện gió thời gian qua. Điều này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp hành động mạnh mẽ hơn nữa để góp phần thực hiện NDC của Việt Nam và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.