Không nhận chìm bùn thải xuống biển

Bộ TN-MT vừa gửi kiến nghị lên Chính phủ không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải là vật, chất từ hoạt động nạo, vét cảng, vũng quay tàu của nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nằm sát làng chài thôn Vĩnh Phúc – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn, có trao đổi với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, tỉnh Bình Thuận và các bên liên quan, Bộ đã kiến nghị Chính phủ: “Trước mắt, cho phép sử dụng vật, chất nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để san lấp khu vực lấn biển cảng tổng hợp, nơi dự kiến đổ vật, chất từ hoạt động nạo vét của Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 4 (nhiệt điện Vĩnh Tân 4) để đảm bảo tiến độ của dự án theo thỏa thuận của Chính phủ với nhà đầu tư, bảo đảm được vấn đề an ninh năng lượng cho khu vực phía nam, đồng thời tránh các phát sinh pháp lý liên quan đến hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư”.

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án tổng thể để giải quyết các vật, chất nạo vét phát sinh phát triển cảng và nạo vét duy tu, bảo dưỡng luồng hàng hải về lâu dài, bao gồm biện pháp nhận chìm ở biển kèm theo các biện pháp bảo vệ môi trường chặt chẽ. Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu đánh giá phương án sử dụng vật, chất từ hoạt động nạo vét của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để san lấp lấn biển, chống xói lở bờ biển trên địa bàn H.Tuy Phong. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng vật, chất từ hoạt động nạo vét thành các loại vật liệu. Đối với từng phương án, chỉ đạo xem xét, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan.

Bộ TN-MT cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương thống nhất thành lập đơn vị quản lý điều phối chung hoạt động của các đơn vị thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để có sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Khu vực nhận chất nạo vét đủ điều kiện

Theo Bộ TN-MT, vị trí dự kiến tiếp nhận các chất nạo vét cảng, vũng quay tàu của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là khu vực lấn biển làm cảng và dịch vụ sau cảng. Đây là khu vực lấn biển để xây dựng cảng tổng hợp. Khu vực này trước đó được dự kiến tiếp nhận vật, chất nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 4. “Dự án bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân giai đoạn 1 đã được Bộ TN-MT thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường từ cuối tháng 3.2015. Trong đó, yêu cầu các biện pháp bảo vệ môi trường đối với khu vực dự kiến san lấp lấn biển bao gồm kè bảo vệ bờ và hệ thống lót đáy theo quy định. Khu vực này hiện đã hoàn thành việc kè bảo vệ bờ. Theo báo cáo của đại diện Công ty cổ phần cảng tổng hợp Vĩnh Tân, hiện tại khu vực lấn biển của cảng tổng hợp còn có khả năng tiếp nhận được khoảng 1 triệu m3 vật, chất nạo vét. Khi triển khai thực hiện san lấp sẽ có hệ thống lót đáy theo quy định”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Bộ TN-MT, do khu vực biển nơi xây dựng, nạo vét cảng, vũng quay tàu của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân khá đồng nhất về thành phần của vật, chất nạo vét nên vật, chất thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có các thông số cơ lý tốt, chịu được tải từ khá cao đến cao, có thể sử dụng được để san lấp lấn biển.

Giải pháp tránh bị phạt 620.000 USD/ngày

Lý giải về phương án không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải từ nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biểngần khu bảo tồn Hòn Cau, Bộ TN-MT cho biết hiện Hội đồng các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN đang khẩn trương triển khai đánh giá khách quan, toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật, chất nạo vét của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để trên cơ sở đó Bộ TN-MT mới thực hiện giao khu vực biển cho thực hiện hoạt động nhận chìm theo quy định của pháp luật. Nhưng quá trình phân tích, nghiên cứu khoa học cần nhiều thời gian.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân- ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

– Ngày 23.6, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc ký Giấy phép số 1517 chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận). Tổng diện tích được phép nhận chìm là 30 ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá 30 m.

– Sau khi báo chí lên tiếng, ngày 29.6, Bộ TN-MT ra thông cáo báo chí thông tin về việc cấp phép nhận chìm vật, chất nạo vét từ nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

– Từ 2 – 7.7, nhiều chuyên gia đồng loạt lên tiếng trên Báo Thanh Niên bày tỏ nỗi lo môi trường biển bị ô nhiễm nếu cho nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải.

– Ngày 13.7, đại diện Bộ TN-MT báo cáo việc nhận chìm bùn thải trước HĐND tỉnh Bình Thuận.

– Ngày 21.7, một số nhà khoa học lên tiếng tố cáo việc bị mạo danh trong hồ sơ xin cấp phép nhận chìm bùn thải. Bộ Công thương sau đó kỷ luật cán bộ liên quan đến việc mạo danh một số nhà khoa học trong hồ sơ xin cấp phép nhận chìm bùn thải.

– Ngày 26.7, Chính phủ yêu cầu đánh giá tác động môi trường toàn diện vụ nhận chìm bùn thải, giao Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành nghiên cứu. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận kiến nghị không cho nhận chìm bùn thải ở khu vực biển H.Tuy Phong. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định chưa giao biển cho doanh nghiệp tiến hành nhận chìm và trực tiếp khảo sát vùng biển dự kiến nhận chìm vào ngày 27.7.

– Ngày 28.7, Viện Hải dương học ở Nha Trang công bố kết quả khảo sát đáy biển vùng dự kiến nhận chìm.

– Ngày 3.8, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xem xét vụ nhận chìm bùn thải từ nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển.

– Ngày 9.8, Bộ TN-MT sau khi thống nhất với UBND tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn điện lực VN đã kiến nghị Chính phủ không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải từ nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển H.Tuy Phong.

Quyết định đúng đắn và kịp thời
TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường bày tỏ đồng tình với phương án Bộ TN-MT đề xuất xử lý gần 1 triệu m3 bùn thải từ nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lên Chính phủ. TS Trường cho hay thời gian qua Bộ TN-MT đã lắng nghe, phân tích các ý kiến phản biện xã hội, cho khảo sát bổ sung cơ sở dữ liệu nền khu vực dự kiến đổ thải ngoài biển, thảo luận với các cơ quan và chuyên gia để có quyết định đúng đắn và kịp thời là sử dụng gần 1 triệu m3 nạo vét này san lấp khu vực lấn biển cảng tổng hợp. Bởi vì, nếu vẫn giữ phương án như cấp giấy phép đổ ra biển Bình Thuận gần khu bảo tồn Hòn Cau, trong khi các thông tin, tài liệu cơ bản để phục vụ cho bài toán mô phỏng đánh giá tác động đến môi trường chưa đủ độ tin cậy, dễ gây các hậu họa khó lường.

Theo TS Tô Văn Trường, dù đổ san lấp khu vực lấn biển cảng tổng hợp, thì hồ sơ thiết kế và Báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn phải làm đúng bài bản, chặt chẽ theo đúng luật bảo vệ môi trường biển để cho cái lợi là lớn nhất và cái mất là ít nhất vì con người khi tác động vào tự nhiên không bao giờ được tất cả.
Trong khi đó, yêu cầu của hoạt động nạo vét, nhận chìm dự kiến khoảng 150 ngày và hoàn thành trong tháng 10 để gió và hướng dòng chảy không phát tán vật, chất nhận chìm về phía khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Trường hợp chưa thực hiện xong nhận chìm trong tháng 10.2017 thì phải chờ đến tháng 5.2018 mới có thể tiếp tục. Nếu vậy, khả năng chậm tiến độ phát điện của tổ máy số 1 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào tháng 9.2018 và tổ máy số 2 vào tháng 3.2019 theo cam kết trong hợp đồng BOT là chắc chắn sẽ xảy ra và phía VN sẽ bị phạt khoản tiền là 620.000 USD/ngày.

Để đảm bảo thời gian cho các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN nghiên cứu kỹ lưỡng, phân tích, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường; đồng thời để đảm bảo tiến độ phát điện, tránh tranh chấp pháp lý phát sinh với nhà thầu, Bộ TN-MT đã thống nhất với tỉnh Bình Thuận và EVN về phương án nêu trên.
Nguồn: Báo Thanh niên
Các tin có liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *