Ngày 25/9/2020, tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Sở NN&PTNT Quảng Ninh và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) tổ chức Hội thảo “Quản lý rác thải nhựa (RTN) đại dương hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài thủy hải sản”. Tham dự Hội thảo có ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ninh cùng đại diện các tổ chức quốc tế IUCN, Greenhub và các nhà khoa học, doanh nghiệp…
Ô nhiễm RTN đại dương là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về lượng RTN với tổng lượng RTN ra đại dương ước tính từ 0.28 – 0.73 triệu tấn mỗi năm. RTN đang gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng cho các loài sinh vật biển. Khoảng 70% nhựa mảnh lớn trên biển và 46% đảo rác lớn Thái Bình Dương được hình thành từ các ngư cụ. Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính trên thế giới mỗi năm có khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trên biển.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đình Luân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Tình trạng ô nhiễm RTN đại dương nói chung và RTN thủy sản nói riêng đang ở mức báo động. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm RTN nói chung và RTN đại dương nói riêng. Hội thảo lần này sẽ tập trung trao đổi về công tác quản lý RTN ngành thủy sản giai đoạn 2020 -2030 cũng như các cam kết hành động, giải pháp để giảm thiểu RTN tại Việt Nam.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thủy sản về nhận diện RTN đại dương cho thấy, nhựa được sử dụng rộng rãi trong hoạt động thủy sản như làm vỏ tàu, ngư lưới cụ, thùng xốp, bảo quản cá, bạt đầm nuôi tôm, bao gói sản phẩm thủy sản chế biến… Ngành thủy sản vừa là ngành phát sinh RTN đại dương vừa chịu tác động của RTN đại dương. RTN lan tràn tại một số cảng cá, khu bảo tồn biển, gây ô nhiễm môi trường, nhiều loài sinh vật biển nhầm tưởng RTN là thức ăn dẫn đến bị chết và mắc kẹt… Trước tình trạng trên, để đẩy mạnh quản lý RTN ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT đã ban hành các văn bản như: Công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chung tay hành động giải quyết vấn đề RTN, ngày 11/7/2019; Quyết định 1777/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/5/2020 của Bộ NN&PTNT về việc giao nhiệm vụ xây dựng “Kế hoạch hành động quản lý RTN đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 – 2030”;Quyết định 282/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT ngày 22/5/2020 của Tổng cục Thủy sản về việc giao nhiệm vụ xây dựng “Kế hoạch hành động quản lý RTN đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 – 2030”…
Đại diện các cơ quan liên quan cùng cam kết giảm thiểu RTN bảo vệ đại dương xanh
Trong thời gian qua, một số Dự án có liên quan về giảm thiểu RTN cũng được Bộ NN&PTNT và một số tổ chức quốc tế triển khai đã mang lại hiệu quả bước đầu như: Dự án Điều tra, đánh giá tác động của RTN trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do RTN; Dự án MarPlasticcs (ô nhiễm RTN và cộng đồng ven biển), giám sát rác thải nhựa tại các Khu bảo tồn biển; “Suy nghĩ lại về nhựa – giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”; Các nguồn thải, nơi chứa đựng và các giải pháp cho tác động của nhựa đối với cộng đồng ven biển ở Việt Nam…
Chia sẻ về những sáng kiến giảm thiểu RTN trong nuôi trồng thủy sản, bà Trần Thị Hoa – Giám đốc Greenhub cũng cho biết: Từ năm 2018 -2020, Greenhub triển khai Dự án Vịnh xanh – Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía Bắc Việt Nam. Dự án nằm trong Chương trình tái chế rác thải đô thị (MWRP) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Tập đoàn Sáng tạo phát triển (DIG) tài trợ. Dự án đã thí điểm mô hình phao xốp phủ vật liệu sơn line X tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại Hợp tác xã Vạn Chài ở vịnh Hạ Long, nhằm tăng độ bền của phao và hạn chế tác động đến môi trường nước biển trên vịnh. Việc thí điểm thành công mô hình đã góp phần thúc đẩy quản lý và giảm thiểu RTN trên biển.
Trong khuôn khổ buổi Hội thảo đã diễn ra Lễ ký cam kết tự nguyện giữa các bên về giảm thiểu RTN trong ngành thủy sản; “Biên bản Ghi nhớ” hợp tác giữa IUCN và Tổng cục Thủy sản giai đoạn 2020 – 2025. Biên bản Ghi nhớ giai đoạn mới sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác: Triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động về bảo tồn rùa biển đến năm 2025; Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn biển; Hỗ trợ cải thiện khung pháp lý và thiết lập cơ sở khoa học cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản; Quản lý và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Quản lý hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thủy sản.
Châu Loan