Tài liệu môi trường: NGUỒN GỐC VÀ THÀNH PHẦN CỦA NƯỚC THẢI (P4)

MỤC ĐÍCH VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ NƯỚC THẢI

Contents

    1.  Mục đích xử lý nước thải

 Mục đích của xử lý nước thải là đảm bảo nước sau khi xử lý thải ra môi trường phải an toàn, không làm nguy hại đến sức khỏe cộng đồng và không làm ô nhiễm các nguồn nước hoặc gây ra thiệt hại cho môi trường khác.

Hệ thống xử lý nước thải được thiết kế để làm giảm một số thành phần trong nước thải (giảm thiểu hoặc loại bỏ các vật liệu hữu cơ, chất rắn, chất  dinh dưỡng (N, P), các vi sinh vật gây bệnh và các chất ô nhiễm khác tới mức chấp nhận theo quy định của từng quốc gia. Ở Việt nam, có bộ tiêu chuẩn nước thải công nghiệp và tiêu chuẩn thải TCVN (xem phần phụ lục).

Các nguồn tiếp nhận của nước thải sau khi xử lý chủ yếu là sông suối, ao hồ.

Nước thải sau khi được xử lý phải đạt được nồng độ tới hạn. Nghĩa là, khi thải ra nguồn tiếp nhận không làm cho các chất bẩn vượt quá ngưỡng mà sông suối, hồ, ao có khả năng tự làm sạch.

        2. Các phương pháp xử lý nước thải

Tùy thuộc vào tính chất của các loại nước thải (nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp hoặc hỗn hợp nước thải công nghiệp và sinh hoạt), các phương pháp xử lý sau đây thường được áp dụng:

– Phương pháp vật lý: chắn bằng lưới lọc các vật liệu thô trôi nổi trong nước thải; khuấy trộn; keo tụ/ bông tụ, tuyển nổi, lắng, lọc…

– Phương pháp hóa học: kết tủa; hấp phụ, hấp thụ; oxy hóa khử và khử trùng.

– Phương pháp sinh học: quá trình hiếu khí; quá trình kỵ khí

Phương pháp xử lý bậc cao  bao gồm phương pháp vật lý và hóa học như quá trình khử nitơ và phốt pho trong nước thải (xử lý bậc ba), là sự kết hợp của cả ba quá trình: vật lý, hóa học và sinh học, trong đó chủ yếu là quá trình sinh học (đối với quá trình nitrat hóa và khử nitrat). Để khử phốt pho, trước hết sử dụng quá trình sinh học để chuyển đổi phốt pho hữu cơ thành các ortho phốt phát bằng chu trình kỵ khí/hiếu khí, sau đó, phốt pho dưới dang ortho phốt phát được kết tủa bằng các tác nhân hóa học. Hình 1.3 đưa ra sơ đồ tổng quát của các phương pháp xử lý nước thải. Trong thực tế, một nhà máy xử lý nước thải thường có thể kết hợp cả ba phương pháp: vật lý, hóa học  và sinh học hoặc sử dụng từng phương pháp riêng rẽ.

Hình 1.1. Sơ đồ tổng quát các phương pháp xử lý nước thải

        Ví dụ, khi xử lý nước thải sinh hoạt chỉ chứa chất thải dễ phân hủy bằng vi sinh vật, thường kết hợp phương pháp vật lý (lưới chắn rác, khuấy trộn, lắng…), phương pháp sinh học (hiếu khí hoặc kỵ khí hoặc cả hai) và phương pháp hóa học (khử trùng). Nhiều loại nước thải có thành phần phức tạp (chứa kim loại nặng, hàm lượng COD cao) như nước thải dệt nhuộm, nước thải thuộc da, xi mạ, v.v., cần phải kết hợp cả ba phương pháp với tất cả các kỹ thuật mới đạt hiệu quả xử lý.

        3. Phân loại mức độ xử lý nước thải

Xử lý bậc một, trong giai đoạn xử lý bậc một, các phương pháp vật lý như chắn rác, lắng, tuyển nổi, v.v., được sử dụng để loại bỏ các vật rắn trôi nổi và có khả năng lắng. Chất lượng nước thải đáp ứng gần loại C (TCVN-5945).

Xử lý bậc hai, các quá trình hóa học và sinh học được sử dụng để loại bỏ hầu hết các vật chất hữu cơ. Chất lượng nước thải đạt loại A, B (TCVN – 5945).

Xử lý bậc ba, tách các thành phần khác như nitơ và phốt pho, hai thành phần này rất khó loại bỏ trong xử lý bậc hai. Chất lượng nước được nâng cao và có thể sử dụng lại.

Xử lý bậc 4, để loại bỏ các hạt keo tan. Loại bỏ các vật liệu hữu cơ không phân hủy sinh học

Xử lý bậc 5, loại bỏ các chất vô cơ.

Xử lý bậc bốn trở đi còn được gọi là xử lý bậc cao. Sơ đồ xử lý nước thải đưa ra trong hình 1.4. Bảng 1.2 trình bày tóm tắt mức độ xử lý được áp dụng trong xử lý nước thải. Bảng 1.3  mô tả sự phân loại các quá trình xử lý nước thải được đề nghị bởi WHO. Mục tiêu của xử lý bậc một là hạn chế sự hư hại gây ra bởi các chất rắn có độ cứng và rác cho các thiết bị và đường ống ở các các quá trình xử lý tiếp theo. Trong xử lý sơ bộ, sử dụng phương pháp vật lý (lọc, lắng sơ bộ) có thể được tăng cường bằng cách thêm vào các chât hóa học. Các chất hữu cơ được loại bỏ chủ yếu trong xử lý bậc hai với các quá trình hóa học và sinh học. Trong xử lý bậc cao, chất rắn lơ lửng còn lại và các thành phần khác của nước thải không thể giảm thiểu trong quá trình xử lý trước đó được loại bỏ bằng sự kết hợp các quá trình khác nhau như hấp phụ, oxy hóa, lọc sâu, v.v.

Hình 1.4. Sơ đồ công nghệ xử lý nước thải

                                                                                                                                                     Nguồn: Sưu tầm

>> Tài liệu môi trường: NGUỒN GỐC VÀ THÀNH PHẦN CỦA NƯỚC THẢI (P1)

>>  Tài liệu môi trường: NGUỒN GỐC VÀ THÀNH PHẦN CỦA NƯỚC THẢI (P2)

>> Tài liệu môi trường: NGUỒN GỐC VÀ THÀNH PHẦN CỦA NƯỚC THẢI (P3)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *