Tìm giải pháp đột phá quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại TP.Hồ Chí Minh

Việc kiểm soát và quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành vấn đề cấp bách của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng mật độ dân số cao, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của chất thải rắn sinh hoạt đã và đang gây áp lực lớn lên môi trường.

Để khắc phục tình trạng này, đầu tháng 7/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số 4758/STNMT-CTR đề nghị các quận, huyện và các công ty dịch vụ công ích đến năm 2023 hoàn thành thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa mô hình quản lý hoạt động thải bỏ và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đúng theo tiêu chuẩn vệ sinh đô thị.

Có thể thấy việc kiểm soát và quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành vấn đề cấp bách của Thành phố hiện nay, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 9.200 tấn/ngày, chủ yếu từ các khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, chợ…

Hàng năm, tỉ lệ gia tăng chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố khoảng 5%, riêng trong 8 tháng năm 2020 đã tăng gần 10%, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên đến 13.000 tấn/ngày.

Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều loại rác thải sinh hoạt cồng kềnh, rác quá khổ là đồ dùng nội thất như bàn, ghế salon, giường, tủ… sau khi hư hỏng bị các gia đình vứt bừa bãi trên các tuyến đường, khiến việc thu gom rác trở nên khó khăn hơn.

Ông Lê Trương Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một trong những vấn đề bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Thành phố là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã có hiệu lực từ 2 năm qua.

Tuy nhiên, do chưa tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm, đến nay, nhiều hộ vẫn chưa chủ động phân loại rác. Công tác tuyên truyền thiếu hiệu quả khi các ngành, các cấp giảm tần suất tuyên truyền, tỉ lệ người dân tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt cũng giảm theo.

Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt gặp nhiều thách thức khi phần lớn người dân có thói quen bỏ chất thải rắn sinh hoạt trước cửa nhà, trên vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị.

Nhiều hộ không ký hợp đồng thu gom chất thải rắn sinh hoạt, thải bỏ rác ra các khu công cộng, kênh rạch làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập ở một số quận, huyện chưa chặt chẽ. Nhiều đơn vị thu gom chưa đảm bảo thời gian quy định, trang thiết bị còn thô sơ, dẫn đến rò rỉ nước và rác thải ra môi trường.

Một số hộ dân đã có ý thức phân loại rác tại nguồn nhưng người đi thu gom lại đổ chung rác vào xe chở do thiếu phương tiện chuyên biệt cho từng loại.

 

Hệ thống lò đốt rác của Nhà máy xử lý CTR Vietstar Lemna Eco Center (huyện Củ Chi)

Cùng với đó, sự kết nối giữa công tác thu gom và vận chuyển không đồng bộ dẫn đến hoạt động tại các điểm hẹn tập kết rác kéo dài so với quy định (1 giờ) khiến chất thải tồn đọng.

Mạng lưới trạm trung chuyển chưa hoàn thiện, vị trí các trạm trung chuyển không xa nhau. Đồng thời, việc chuyển đổi thực hiện phương thức cung ứng dịch vụ vận chuyển rác của Thành phố từ giao kế hoạch, đặt hàng thông qua hợp đồng sang đấu thầu đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước do chưa có đầy đủ văn bản quy định.

Các quận, huyện chưa đủ nhân sự chuyên trách để đảm nhận công tác kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm trong hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Theo ông Lê Trương Tuấn Anh, thách thức lớn nhất đối với Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, khi xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp chôn lấp làm phát sinh mùi hôi và rác tồn đọng, không phân hủy.

Trong khi đó, các nhà máy tái chế, xử lý rác hiện chưa đạt chỉ tiêu công nghệ, tỉ lệ tái chế đến năm 2020 chỉ đạt 40%, còn lại là chôn lấp, đốt tiêu hủy. Hoạt động của các nhà máy xử lý rác thành phân compost gặp nhiều trở ngại do thị trường tiêu thụ không ổn định.

Theo Tiến sỹ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, trước sức ép từ việc gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt lớn, Thành phố Hồ Chí Minh nên đặt ưu tiên hàng đầu vào việc tạo thói quen và hình thành ý thức của người dân về phân loại rác tại nguồn.

Yêu cầu này đặc biệt quan trọng khi đặc thù thành phần chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chủ yếu là rác hữu cơ, có độ ẩm cao, nhiệt trị thấp, nếu được phân loại kỹ sẽ rất dễ tiêu hủy.

Ngược lại, nếu được chôn lấp chung với rác vô cơ sẽ không thể phân hủy hoàn chỉnh, tạo thành khí Metan (CH4) độc gấp 28-36 lần khí CO2 vào bầu khí quyển.

Ngoài ra, rác hữu cơ nếu tiếp xúc với các thành tố kim loại thuộc rác vô cơ sẽ dễ sản sinh chất độc tên Leachate thấm vào lòng đất, gây hại đến nguồn nước ngầm.

Trên cơ sở đó, Tiến sỹ Phạm Viết Thuận cho rằng Thành phố cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu và thực hiện phân loại rác thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, thành phố có thể tổ chức các chương trình thu gom bằng cách đổi rác đã phân loại lấy vật phẩm có giá trị tương đương để khuyến khích người dân. Đặc biệt, Thành phố cần xem xét thay đổi phương thức xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt sản sinh điện. Với công nghệ này, người dân chỉ cần phân loại rác ra thành hai loại: Rác tái chế và rác thải còn lại, việc phân loại sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Tác giả: Huyền Anh

Nguồn: https://moitruong.net.vn/tim-giai-phap-dot-pha-quan-ly-chat-thai-ran-sinh-hoat-tai-tp-ho-chi-minh/