Từ rác nhựa đến vi hạt nhựa. Ảnh: Kiều Lê Thủy Chung
Từ rác nhựa đến vi hạt nhựa
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất nhựa châu Âu, tổng sản lượng nhựa toàn cầu tăng từ 1,7 triệu tấn năm 1950 lên 335 triệu tấn năm 2017. Như vậy kể từ năm 1950 đến nay, tổng khối lượng nhựa được sản xuất khoảng 5 tỉ tấn và dự đoán đạt gần 40 tỉ tấn vào năm 2050.
Chỉ 5% rác nhựa được tái sử dụng, phần còn lại vẫn tồn tại trong môi trường. Rác nhựa chiếm 80%-85% tổng lượng rác tồn tại ở các đại dương.
VHN có mặt khắp các đại dương và được tìm thấy ở các khu vực bờ biển, trầm tích đáy biển, trên mặt biển, thậm chí ở Nam cực, Bắc cực và kênh rạch, sông ngòi. Các nghiên cứu cho thấy sự tồn tại của VHN trong sinh vật phù du, động vật giáp xác, các loài cá, nghêu, hàu và chim biển. Một nghiên cứu khác cũng tìm thấy VHN, với mật độ không đáng kể, trong một số loại muối ăn thương mại.
Các nhà khoa học cảnh báo: nếu chúng ta tiếp tục sử dụng bừa bãi các sản phẩm nhựa, không cải thiện công tác quản lý rác thải thì khả năng tích tụ VHN trong môi trường nước và các sản phẩm liên quan là rất cao.
Ngoài ra, VHN cũng được tìm thấy trong không khí do bay lên từ mặt đất, đặc biệt tại những bãi rác trước khi chôn lấp hoặc tại các lò đốt rác. Rác nhựa đã được chôn lấp cũng có nguy cơ lộ trở lại bề mặt và trở thành nguồn phát tán VHN vào không khí.
Như vậy, việc đưa rác nhựa vào bãi rác để đốt hoặc chôn lấp chưa phải là giải pháp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm VHN, mà còn có khả năng chúng ta đang trữ nguồn ô nhiễm VHN cho tương lai. VHN trong không khí có thể rơi trực tiếp xuống môi trường nước, hoặc rơi trở lại mặt đất rồi được đưa xuống sông, biển do dòng nước chảy tràn trên bề mặt.
Vi hạt nhựa trong kem đánh răng.-Ảnh: Daily Mail
Nguy cơ đối với sức khỏe con người
Mặc dù ảnh hưởng của VHN đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái chưa được nghiên cứu thấu đáo, nhưng sự tồn tại của VHN trong hệ thống sông ngòi và biển là một thách thức lớn đối với môi trường toàn cầu. Các loài sống trong nước như sinh vật phù du, các loài giáp xác, cá nhỏ, nghêu, hàu có thể ăn VHN do nhầm đó là thức ăn. Từ đó, có thể VHN sẽ đi vào cơ thể các loài sinh vật lớn hơn hoặc cơ thể con người thông qua chuỗi thức ăn.
VHN cũng có thể đi vào cơ thể người khi chúng ta tiêu thụ muối biển, nước uống hoặc hít phải VHN lơ lửng trong không khí. Các nhà khoa học đang nghiên cứu 3 nguy cơ đối với sức khỏe con người và môi trường liên quan tới VHN:
– Nguy cơ bị tổn thương và tắc nghẽn: Khi đi vào cơ thể sinh vật, VHN có thể gây tổn thương một số cơ quan hoặc làm tắc nghẽn hệ tiêu hóa. Dù số lượng các nghiên cứu về ảnh hưởng của VHN lên cơ thể người rất ít, nhưng các ảnh hưởng được ghi nhận đến nay gồm tổn thương phổi và dạ dày. Các hạt nhựa siêu nhỏ có thể đi qua màng tế bào, hàng rào máu não và nhau thai, từ đó có thể dẫn đến hiện tượng kích ứng oxy hóa, tổn hại tế bào, viêm và suy yếu các chức năng phân bổ năng lượng.
– Nguy cơ từ các chất phụ gia: Để cải thiện những đặc tính vật lý và hóa học của nhựa, có rất nhiều chất phụ gia độc hại như bisphenol A, phthalates, phụ gia chống cháy đã được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa. Phần lớn chất độc này sẽ phát tán ra ngoài và làm nhiễm độc môi trường sinh thái. Phần chất độc còn lại trong nhựa, dù ít, vẫn có khả năng gây bất lợi đối với sức khỏe sinh vật và con người sau quá trình tích tụ thông qua chuỗi thức ăn.
– VHN là vật chủ trung gian phát tán mầm bệnh và chất ô nhiễm: Do tỉ số giữa diện tích bề mặt và thể tích của VHN khá lớn nên các kim loại nặng, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và vi khuẩn gây bệnh có thể dễ dàng bám trên bề mặt VHN, trở thành vật chủ trung gian phát tán các chất và mầm bệnh này trên hành trình dài từ lục địa ra đại dương.
Các loại vi khuẩn gây bệnh có thể bám vào các sợi VHN có trong nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Một khi nước thải được xả ra môi trường, các sợi VHN mang mầm bệnh có thể đi vào nguồn nước sinh hoạt và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân.
VN và các nước đang phát triển ở Đông Nam Á đứng đầu trong ngành sản xuất nhựa. Do những yếu kém trong quản lý rác nhựa, VN nằm trong top 5 nước trên thế giới xả rác nhựa ra biển nhiều nhất. Trong khi túi nilông cũng như các loại túi tự hủy bị cấm ở châu Âu thì ngành bao bì nhựa lại được VN ưu đãi về thuế.
Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ về nước sông Sài Gòn, thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu châu Á về nước (CARE – ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM), lượng rác nhựa trôi nổi trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được vớt bởi Công ty Môi trường đô thị TP.HCM chiếm 11%-43% tổng lượng rác, tương ứng lượng rác mỗi người dân TP vứt xuống sông 1-20g/ngày.
Các nhà khoa học cho rằng có khả năng VHN đang hiện diện trong nước sông Sài Gòn với mật độ khá cao. Do đó, việc nghiên cứu chi tiết về nguồn cung cấp, cơ chế phân rã và quá trình phát tán VHN trong môi trường nước sông Sài Gòn là hết sức cấp bách.
Thử tưởng tượng nếu hôm nay chúng ta sử dụng một cái túi nilông, hàng trăm năm sau sẽ có vô số VHN cùng với các chất độc hại chu du khắp các đại dương, lơ lửng đâu đó trong không khí hoặc nằm trong cơ thể của các thế hệ tương lai.■